Các tập đoàn bán lẻ đầu tư xây dựng siêu thị
Tập đoàn siêu thị bán sỉ nước ngoài đầu tiên vào kinh doanh tại VN là Metro Cash & Carry (Đức) đã nhanh chóng thành công.
Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ 20 tỷ USD/năm có mức tăng trưởng nhanh cộng thêm nền kinh tế phát triển với tốc độ cao và chính trị ổn định. Những yếu tố đó khiến thị trường bán lẻ VN được nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế nhòm ngó.
2 tập đoàn kinh doanh siêu thị lớn ở Châu Á là Parkson (Malaysia) và Dairy Farm (Hồng Kông) đang tiến hành những thủ tục cuối cùng để đầu tư vào thị trường này.
Trung tâm thương mại ngày một nhiều
Năm 2004 đánh dấu sự xuất hiện ồ ạt của các khu phức hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ tại các thành phố lớn. Theo khảo sát mới đây của CBRE VN, hệ số sử dụng các tòa nhà văn phòng cho thuê và khu thương mại hiện đạt mức rất cao.
Vincom giữa tháng 11 mới khai trương song đã lấp đầy 70% diện tích, Orien Park vừa được đưa vào sử dụng đã kín 92% diện tích cho thuê. Trung tâm thương mại An Đông khai trương ngày 4/10, tới nay 80% gian hàng đã được tiểu thương đăng ký sang nhượng hoặc thuê dài hạn với giá thấp nhất là 24.000 USD, cao nhất là 180.000 USD mỗi quầy.
Hàng loạt dự án đang được gấp rút triển khai xây dựng như Landcaster, HBT Court,Saigon Pearl (TPHCM).... Dự án xây dựng toà nhà cao nhất Việt Nam, 65 tầng gồm khu căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại và trung tâm hội nghị quốc tế do Công ty SA Coralis (Luxembourg) làm chủ đầu tư sắp được cấp phép đầu tư.
Một loạt trung tâm thương mại ra đời ngoài văn phòng cho thuê đang đắt khách, sẽ có nhiều diện tích dành cho khu thương mại. Điều này tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các siêu thị.
Khó cạnh tranh với các đại gia quốc tế
Ông Vũ Vinh Phú - Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 70 siêu thị, trung tâm thương mại. Phần lớn được xây dựng trên quy mô nhỏ, hẹp nên có nhiều siêu thị chưa đạt theo tiêu chuẩn đã đề ra như diện tích yêu cầu tối thiểu, khu vệ sinh cho khách...
Theo tiêu chuẩn diện tích: Siêu thị tổng hợp loại 1 có diện tích kinh doanh từ 5.000 m2 trở lên, có danh mục hàng hoá kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên. Nếu là siêu thị chuyên doanh loại 1 có diện tích từ 1.000 m2 trở lên với 2.000 tên hàng trở lên.
Siêu thị tổng hợp loại 2 có diện tích kinh doanh từ 2.000 m2 trở lên, có 10.000 tên hàng trở lên. Nếu là siêu thị chuyên doanh loại 2 có diện tích từ 500 m2 trở lên với 1.000 tên hàng trở lên.
Siêu thị loại 3 tổng hợp phải có diện tích 500 m2 trở lên, có 4.000 tên hàng hoá trở lên. Nếu là siêu thị chuyên doanh loại 3 phải có diện tích từ 250 m2 trở lên, với 500 tên hàng trở lên.
Ngoài ra, các siêu thị loại 1, 2, 3 phải có nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh siêu thị, có hệ thống kho, thiết bị bảo quản, sơ chế, đóng gói, tổ chức theo ngành hàng, nhóm hàng, công tác phòng cháy chữa cháy...
Theo quy chế mới ban hành này, Hà Nội chỉ có 1 trung tâm thương mại, 1-2 siêu thị loại 1, 3 - 4 siêu thị loại 2. Phần lớn các siêu thị là loại 3 và 17 siêu thị không đạt tiêu chuẩn siêu thị. Tình trạng chung là các siêu thị trong nước nhỏ bé, chi phí cao khó cạnh tranh với các tập đoàn lớn có tiềm lực, cạnh tranh có kinh nghiệm và bài bản.
Nếu không có bước đột phá đầu tư cho siêu thị trong nước,thị trường bán lẻ sẽ nhanh chóng bị các đại gia thâu tóm. Không chỉ thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với doanh số 20 tỷ usd vuột khỏi tay các DN trong nước. Mà điều đó còn ảnh hưởng lớn tới nông dân, và ngành sản suất trong nước, khi thị trường bán lẻ bị DN nước ngoài thao túng.
Theo DĐDN